KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2021 -2026

Lượt xem:

Đọc bài viết

PHÒNG GD-ĐT MỘ ĐỨC                                              CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TRƯỜNG THCS ĐỨC THẮNG                                                   Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

Đức Thắng, ngày 10 tháng 9 năm 2021

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG THCS ĐỨC THẮNG

GIAI ĐOẠN 2021 -2026 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

 Trường THCS Đức Thắng được thành lập từ tháng 9/1977, lúc bấy giờ có tên gọi là trường Phổ thông cơ sở cấp 1, 2 Đức Thắng, (gồm cả bậc tiểu học). Đến năm 1989 trường được thành lập theo Quyết định số 496/UBND huyện Mộ Đức ngày 12/10/1989. Năm học 1988-1989 nhà trường có 26 cán bộ giáo viên, 16 lớp và 694 học sinh. Cơ sở vật chất có 8 phòng học cấp 4, được xây dựng tạm bợ, suốt 2 năm học vẫn chưa lắp cửa cho các phòng học, khu hành chính có 2 phòng làm việc chung cho các bộ phận: Ban giám hiệu, HĐGV, Thư viện, Văn thư…

Sau hơn 30 năm hoạt động giảng dạy và giáo dục, trường đã có những bước phát triển bền vững. Tính đến đầu năm học 2020 – 2021, trường có 35 cán bộ – giáo viên – nhân viên. Trường có 15 lớp với 418 học sinh. Về cơ sở vật chất từng bước đáp ứng được các hoạt động dạy và học có 10 phòng học, 19 phòng chức năng.

Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện Mộ Đức, Phòng GD ĐT huyện, được sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND xã Đức Thắng. Trong những năm qua, trường THCS Đức Thắng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục của địa phương, đã từng bước đáp ứng được các mục tiêu yêu cầu mà chính quyền và nhân dân mong muốn.

          Trong tình hình đổi mới toàn diện nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và đất nước, trường THCS Đức Thắng xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục từ giai đoạn 2021 – 2026 và tầm nhìn đến 2030 nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển của nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập.

I- ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

  1. Môi trường bên trong

       1.1 Những mặt mạnh:

            Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên:

Tổng số CBGVNV: 35 / 24 nữ

– Trong đó: BGH: 02; Giáo viên: 30; Nhân viên: 03

– Trình độ chuyên môn: Đạt chuẩn (trình độ đại học) GV 22/ 30 tỉ lệ 73.3%; Trình độ cao đẳng 8/30 tỉ lệ 26.7%.

– Đội ngũ quản lý nhiệt tình, trách nhiệm, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tích cực trong công tác tham mưu với các cấp, ngành để từng bước xây dựng cơ sở vật chất nhà trường đảm bảo cho công tác dạy và học. Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn có tính khả thi, sát thực tế. Công tác tổ chức, triển khai, kiểm tra đánh giá sâu sát, được sự tin tưởng của cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường.

– Đội ngũ giáo viên, nhân viên nhiệt tình, đoàn kết, có trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó với nhà trường mong muốn nhà trường phát triển. Có lực lượng giáo viên cốt cán được khẳng định về chuyên môn và nghiệp vụ ở các cấp huyện, tỉnh, được phụ huynh học sinh tín nhiệm.

        Chất lượng học sinh:

Năm học 2020-2021:

– Xếp loại học lực: Giỏi: 25.42% Khá: 33.33% TB: 36.93% Yếu: 4.32% ( chưa tính kết quả học sinh thi lại).

– Lên lớp thẳng: 95,1%

– Tốt nghiệp THCS: 100%

– Trúng tuyển vào lớp 10 công lập: 67/71 HS dự thi, tỉ lệ đạt 94.4% ( đứng vị thứ 2 trên 12 của huyện, xếp sau trường THCS Nguyễn Trãi).

– Học sinh giỏi môn văn hóa các cấp:

+ Cấp huyện: lớp 8,9 : 39 học sinh.

+ Cấp tỉnh: 09  học sinh  (lớp 9);

– Đạt các phần thi khác:

+ Thi KHKT cấp huyện: 01 sản phẩm

+ Hội khoẻ phù đổng cấp huyện: Giải nhất bóng đá nữ; Cờ vua 01 giải ba..

+ Thi tài năng tiếng Anh cấp huyện lớp 8: đồng đội đạt giải Nhì; Cá nhân 01 giải nhì, 03 giải ba.

+ Thi GVCN giỏi cấp huyện đạt 01, cấp tỉnh đạt 01.

+ Thi GVDG cấp huyện đạt 04.

  1. Về cơ sở vật chất:

– Phòng học: 09                   – Phòng bộ môn: 03                 – Phòng tin học: 02

– Phòng truyền thống: 01     – Phòng HĐSP: 01                    – Phòng Đội: 01

– Phòng thư viện: 01           – Văn phòng: 01

– Các phòng chức năng:  Phòng Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng, Công đoàn, Văn thư, Kế toán, Y tế

Cơ sở vật chất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện tại. Cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp, an toàn.

1.2. Điểm hạn chế

– Tổ chức, quản lý của Ban Giám hiệu đôi khi còn thiếu tính quyết liệt trong công tác điều hành.

– Trình độ năng lực giáo viên không đồng đều, còn 08 giáo viên có trình độ CĐSP. Số giáo viên mũi nhọn còn mỏng, một số bộ môn còn thiếu giáo viên nên vẫn còn có một số giáo viên dạy trái môn. Một số giáo viên cao tuổi tiếp cận với công nghệ thông tin còn hạn chế.

– Tỉ lệ học sinh các lớp đầu cấp bị rỗng kiến thức còn nhiều, một số học sinh còn ham chơi, lười học.

– Cơ sở vật chất tuy đã cơ bản đáp ứng phần nào so với hiện tại song chưa đảm bảo quy chuẩn: hệ thống phòng làm việc cho các bộ phận, phòng chức năng cũng như các tổ chuyên môn còn phải tận dụng nên không đảm bảo diện tích; chưa có nhà đa năng phục vụ các hoạt động giáo dục; Sân tập thể dục thể chất hệ thống tường rào, cổng ngõ chưa có, mặt sân trũng thấp, khi trời mưa ngập nước.

– Vẫn còn một số phụ huynh do đi làm ăn xa nên thiếu sự chăm sóc con em, thiếu sự phối hợp với nhà trường, dẫn đến vẫn còn một số học sinh lười học, ham chơi…Các đoàn thể ở địa phương tuy có phối hợp với nhà trường để giáo dục học sinh nhưng chỉ thực hiện ở các hoạt động sự vụ, chưa có kế hoạch phối hợp dài hạn chưa có nội dung, kinh phí đầu tư cho các hoạt động phối hợp giữa nhà trường và các đoàn thể. Công tác rà soát, đánh giá kết quả phối hợp chưa được tiến hành kịp thời

  1. Thời cơ

– Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự đồng thuận vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể.

– Được phụ huynh và học sinh tín nhiệm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh.

– Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhiệt tình, trách nhiệm, được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm khá tốt.

  1. Thách thức

– Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ giáo dục THCS không chỉ cho học sinh trên địa bàn xã Đức Thắng mà còn cho một số học sinh xã Đức Nhuận và xã Đức Lợi

– Đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục của cha mẹ học sinh và của xã hội trong thời kỳ hội nhập.

– Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học tích cực và nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng sáng tạo của cán bộ, giáo viên, công nhân viên còn hạn chế.

– Sự cạnh tranh lành mạnh của các trường THCS lân cận trong và ngoài địa bàn huyện.

– Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu luôn đổi mới của giáo dục.

  1. Xác định các vấn đề ưu tiên.

– Thực hiện đổi mới công tác quản lý, đổi mới PPDH và đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh.

– Nâng cao chất lượng đội ngũ CBGVNV

– Ứng dụng CNTT trong dạy học và công tác quản lý

– Xây dựng CSVC đáp ứng được các nhiệm vụ đổi mới PPDH và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.

– Thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng các hoạt động của nhà trường vào cuối mỗi năm học theo bộ tiêu chuẩn đã quy định.

  1. SỨ MẠNG, TẦM NHÌN VÀ CÁC GIÁ TRỊ CỐT LÕI

        Sứ mạng

Tạo dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, nền nếp kỷ cương, chăm sóc để phát huy phẩm chất riêng, biết sáng tạo, có năng lực tư duy cho mỗi học sinh phát huy hết năng lực của mình.

       Tầm nhìn

Trường THCS Đức Thắng là một trường chuẩn mực, thân thiện và năng động, nơi học sinh và giáo viên luôn có khát vọng học tập suốt đời, biết tư duy độc lập và sáng tạo để nâng cao lợi ích bản thân, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

      Các giá trị cốt lõi

– Tinh thần đoàn kết                     – Lòng nhân ái

– Tinh thần trách nhiệm                 – Tính hợp tác

– Tính trung thực                           – Tính sáng tạo

– Lòng tự trọng                              – Khát vọng vươn lên

III. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG

  1. Mục tiêu chiến lược

Xây dựng nhà trường có uy tín về chất lượng giáo dục, là mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.

  1. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu về xây dựng đội ngũ CBGVNV

– Xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên đủ về số lượng và cơ cấu theo bộ môn, theo nhiệm vụ, bảo đảm đủ chuẩn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

– Năng lực chuyên môn của CBQL,GV và NV được đánh giá khá, giỏi trên 80%.

– 100% CBGVNV sử dụng thành thạo máy vi tính, số tiết dạy có sử dụng CNTT (bài giảng điện tử) trên 60%.

– 100% CBQL- GV có trình độ đại học.

– Giáo viên dạy giỏi cấp huyện: 60%; cấp tỉnh: 30%

2.2. Mục tiêu về học sinh

Qui mô phát triển: 14 lớp với trên 350 học sinh, học 1 ca. Hàng năm huy động 100% số học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6; đảm bảo duy trì sĩ số từ 99% trở lên.

Chất lượng giáo dục:

– Học lực khá giỏi trên 55%; Học lực yếu dưới 5%

– Tỉ lệ tốt nghiệp THCS trên 97%; Tỉ lệ thi đỗ vào lớp 10 trên 87% HS dự thi

– Học sinh giỏi cấp huyện đạt 20% số học sinh khối lớp dự thi

– Học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 3 -> 5% số học sinh khối 9

– Hạnh kiểm tốt khá trên 98%

– Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực, tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội, tự thiện.

2.3. Mục tiêu về cơ sở vật chất

Xây dựng thêm các phòng học, phòng chức năng đảm bảo đủ điều kiện cho học sinh học ngày/ lớp. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo cho công tác dạy và học.

Xây dựng nhà đa chức năng và cải tạo sân bãi cho luyện tập thể dục, thể thao.

Tiến hành xây tường rào, cổng ngõ, bê tông hóa sân trường, làm bồn hoa đảm bảo môi trường sư phạm “xanh- sạch – đẹp”.

Xây dựng nhà để xe cho giáo viên.

Đảm bảo nối mạng internet cho tất cả các khu vực trong nhà trường để ứng dụng CNTT trong các hoạt động công tác và giảng dạy, học tập.

2.4. Mục tiêu thi đua của các tổ chức của nhà trường

– Chi bộ nhà trường: Đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”

– Nhà trường: Đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”

– Công đoàn: Đạt danh hiệu “Vững mạnh xuất sắc”

– Chi đoàn: Đạt danh hiệu “vững mạnh”

– Liên đội: Đạt danh hiệu “xuất sắc cấp tỉnh”

– Các hội đồng khác trong nhà trường hoạt động theo đúng Điều lệ và thực hiện tốt kế hoạch hoạt động hằng năm.

  1. Phương châm hành động

“Chất lượng giáo dục là uy tín, danh dự của nhà trường”

  1. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
  2. Các giải pháp chung

Tuyên truyền trong CBGVNV, phụ huynh và học sinh về nội dung kế hoạch chiến lược trên mọi phương tiện thông tin, lấy ý kiến góp ý để thống nhất nhận thức và hành động của tất cả CBGVNV trong trường theo các nội dung của Kế hoạch chiến lược. Phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí của toàn trường để quyết tâm thực hiện được các mục tiêu của Kế hoạch chiến lược.

Xây dựng văn hóa nhà trường hướng tới các giá trị cốt lõi đã nêu ở trên.

Tăng cường gắn kết có hiệu quả giữa nhà trường với các cơ quan, đoàn thể, phụ huynh và các thế hệ học sinh cũ của nhà trường.

  1. Các giải pháp cụ thể

2.1. Thể chế và chính sách

Xây dựng cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng phát huy nội lực, khuyến khích phát triển cá nhân và tăng cường hợp tác với bên ngoài.

Hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế về mọi hoạt động trong trường học mang tính đặc thù đảm bảo sự thống nhất.

2.2. Tổ chức bộ máy

Kiện toàn cơ cấu tổ chức, phân công bố trí lao động hợp lý, phát huy năng lực, sở trường của từng CBGVNV để đáp ứng với yêu cầu giảng dạy và công tác của CBGVNV nhà trường.

Thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền chủ động cho các tổ chuyên môn trong trường.

Kiện toàn các hội đồng để giúp việc cho nhà trường trong từng lĩnh vực hoạt động.

Kiện toàn Ban kiểm tra nội bộ trường học, xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra thường xuyên bằng nhiều hình thức. Tổ chức rút kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

2.3. Công tác xây dựng đội ngũ

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về cơ cấu và số lượng, có phẩm chất chính trị, có năng lực chuyên môn khá giỏi, có trình độ tin học, ngoại ngữ cơ bản, có phong cách sư phạm mẫu mực, đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng CBGVNV theo hướng sử dụng tốt đội ngũ hiện có, đáp ứng được yêu cầu của công việc theo từng lĩnh vực.

Định kỳ đánh giá và ghi nhận chất lượng hoạt động của CBGVNV thông qua các tiêu chí về hiệu quả đối với nhiệm vụ được giao trong sự phát triển của nhà trường. Trên cơ sở đó sẽ đề bạt, khen thưởng xứng đáng đối với những CBGVNV có thành tích xuất sắc.

Đầu tư có trọng điểm để phát triển đội ngũ CBGV mũi nhọn, CBGV trẻ có tài năng bố trí vào các vị trí chủ chốt của nhà trường.

Tạo môi trường làm việc năng động, thi đua lành mạnh, đề cao tinh thần hợp tác và chia sẻ với điều kiện làm việc tốt nhất để mỗi CBGVNV được cống hiến và gắn kết với nhà trường.

2.4. Nâng cao chất lượng giáo dục

Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá. Tăng cường giáo dục truyền thống, tuyên truyền giáo dục về phòng chống tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, giáo dục dân số và vệ sinh môi trường; thực hiện tốt giáo dục thể chất.

Đổi mới PPDH và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn, giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản.

Định kỳ rà soát, đổi mới chương trình giáo dục, nội dung và phương pháp giảng dạy theo xu hướng linh hoạt, hiện đại, phù hợp với đổi mới giáo dục.

2.5. Cơ sở vật chất

Tham mưu với các cấp đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phấn đấu xây dựng đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn bảo đảm đủ dạy 2 buổi trên ngày theo hướng chuẩn hoá đáp ứng các tiêu chuẩn của trường đạt quốc gia.

Hoàn thiện các công trình như vườn hoa, khu vệ sinh, khu giáo dục thể chất, tường rào, cổng ngõ, nhà để xe, sân bê tông.

Tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính và các thiết bị đảm bảo cho việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và hoạt động; xây dựng mạng thông tin quản lý giữa giáo viên và học sinh thông qua hệ thống nối mạng Lan và Internet.

2.6. Kế hoạch – tài chính

Thực hiện nghiêm túc chế độ thu chi tài chính theo luật ngân sách và quy chế chi tiêu nội bộ, công khai tài chính theo quy định.

Xây dựng cơ chế tài chính theo hướng tự chủ hạch toán và minh bạch các nguồn thu chi.

2.7. Công tác xây dựng Đảng và tổ chức hoạt động các đoàn thể

Củng cố chi bộ vững mạnh, làm tốt công tác xây dựng Đảng, kết nạp từ 2 đảng viên trở lên trong mỗi nhiệm kỳ, phấn đấu có trên 35% CBGVNV là đảng viên.

Tổ chức công đoàn làm nòng cốt trong phong trào thi đua của nhà trường, phối hợp tốt với nhà trường trong việc động viên CBGVNV thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện kịp thời, đầy đủ mọi chế độ chính sách, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CBGVNV.

Duy trì tốt hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội, tổ chức tốt các phong trào thi đua thường xuyên, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các hoạt động trải nghiệm,… trong liên đội. Tích cực duy trì nề nếp, cải tiến các hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện –học sinh tích cực”. Phấn đấu kết nạp phần lớn học sinh đủ tuổi vào Đoàn, xây dựng tổ chức Đoàn đạt danh hiệu vững mạnh, Đội thiếu niên tiền phong đạt danh hiệu xuất sắc.

2.8. Công tác xã hội hóa

Thực hiện tốt các mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục. Tăng cường công tác tham mưu với chính quyền địa phương, phối hợp với các đoàn thể, ban ngành của địa phương và các cấp, ngành để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nhà trường và các mục tiêu của chiến lược đã đề ra.

Phối hợp chặt chẽ với hội CMHS trong công tác giáo dục con em, cùng với nhà trường tham mưu có hiệu quả cho chính quyền địa phương, các mạnh thường quân,… để thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và trường đạt chuẩn Quốc gia.

  1. VAI TRÒ CỦA CÁC BÊN THAM GIA
  2. Phổ biến kế hoạch chiến lược

Kế hoạch chiến lược được phổ biến tới toàn thể CBGVNV nhà trường, cơ quan chủ quản, phụ huynh học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.

  1. Tổ chức.

Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.

  1. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược

– Giai đoạn 1: Từ năm học 2020-2021 đến 2021-2023:

Xây dựng CSVC đảm bảo theo tiêu chí của trường THCS thuộc dự án xã nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì và giữ vững các tiêu chí kiểm định chất lượng mức 2 và trường đạt chuẩn Quốc gia mức 1.

– Giai đoạn 2: Từ năm 2022-2024 đến năm 2024-2026:

Rà soát đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch chiến lược giai đoạn 1 để bổ sung các tiêu chí chưa đảm bảo thực hiện tiếp trong giai đoạn 2.

Hoàn thiện và bổ sung xây dựng CSVC đảm bảo theo tiêu chí của trường THCS thuộc dự án xã nông thôn mới, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì và giữ vững các tiêu chí kiểm định chất lượng và trường đạt chuẩn Quốc gia.

  1. Đối với Hiệu trưởng

Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng CB GV NV nhà trường. Thành lập ban kiểm tra và đánh giá việc thực hiện kế hoạch chiến lược nhà trường trong từng năm học, cụ thể:

– Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt lộ trình cụ thể thực hiện kế hoạch, chiến lược chung.

– Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình nghiên cứu lớn có liên quan đến đơn vị.

– Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch chiến lược hàng năm và từng giai đoạn, rút kinh nghiệm và bổ sung kế hoạch chiến lược.

  1. Đối với phó Hiệu trưởng

Theo nhiệm vụ được phân công, giúp hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất, bổ sung những giải pháp thực hiện.

  1. Đối với tổ trưởng chuyên môn

Xây dựng kế hoạch tổ cụ thể, phù hợp với kế hoạch chung của nhà trường trong từng năm học.

Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ, kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch, báo cáo định kỳ về ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược.

  1. Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường

Xây dựng kế hoạch đoàn thể theo từng nhiệm kỳ, năm học phù hợp với việc thực hiện kế hoạch chiến lược của nhà trường.

Tuyên truyền, vận động đoàn viên, đội viên thực hiện tốt nhiệm vụ chung của nhà trường, góp ý với nhà trường điều chỉnh, bổ sung những nội dung phù hợp để có thể  thực hiện tốt kế hoạch chiến lược của nhà trường.

  1. Đối với Hội cha mẹ học sinh

Góp ý với nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược, cùng với nhà trường tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh thực hiện tốt kế hoạch chiến lược của nhà trường, đồng thời phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

  1. Đối với cá nhân CBGVNV

Căn cứ các nhiệm vụ cụ thể của kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học và đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

  1. Kiến nghị với các cơ quan hữu trách

Đối với Phòng giáo dục & đào tạo huyện phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cơ chế chính sách, tài chính và nhân lực cho trường thực hiện các mục tiêu của kế hoạch chiến lược.

Đối với UBND xã Đức Thắng, UBND huyện Mộ Đức có cơ chế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo để nhà trường thực hiện đảm bảo các mục tiêu của kế hoạch chiến lược./.                                                                                                                                 

                                                                                                                          HIỆU TRƯỞNG

( Đã ký )

Nguyễn Văn Dũng